Lịch sử triết học phương Tây: “Báu vật” quan trọng của nhân loại

Thứ Tư, 04/10/2023

Bộ sách “Lịch sử triết học phương Tây” được xem là một trong những tác phẩm triết học quý giá nhất mọi thời đại, giúp Bertrand Russell giành được giải Nobel Văn học năm 1950.

“Khoa học cho chúng ta tri thức nhưng chỉ triết học mới có thể cho chúng ta sự thông thái” - Nhà sử học người Mỹ Will Durant.


“Lịch sử triết học phương Tây” đã thành công giúp triết gia Bertrand Russell giành giải Nobel Văn học năm 1950

Triết học tồn tại trong mọi sự vật, hiện tượng xung quanh ta, “len lỏi” vào mọi lĩnh vực từ tự nhiên đến xã hội. Hay theo lời của Bertrand Russell, triết học là nguồn gốc văn hóa trung gian giữa thần học và khoa học. Tất cả nhận định của các nhà thông thái đi trước, tinh thần của các triết gia uyên bác đều được thể hiện rõ trong 3 tập “Lịch sử triết học phương Tây” của Bertrand Russell.

Là “con đẻ” của một trong những nhân vật có đóng góp to lớn cho lĩnh vực triết học nhân loại, “Lịch sử triết học phương Tây” được độc giả nhận xét là “dễ đọc, rất thú vị, đầy tính hướng dẫn, ai cũng nên có, từ sinh viên đến những người muốn tìm hiểu và nghiên cứu về triết học”.


Tác phẩm của Bertrand Russell được đánh giá là dễ đọc, ai cũng nên có

“Lịch sử triết học phương Tây” được coi là một tác phẩm toàn diện và chi tiết, mang đến cho độc giả những kiến thức về sự phát triển của triết học từ thời tiền Socrates đến đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của Bertrand Russell tập trung phân tích những cuộc nghiên cứu vĩ mô và đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa nhất vũ trụ như: Vũ trụ có bất kỳ tính thống nhất hay mục đích gì không? Luật tự nhiên có thật không, hay chúng ta tin vào chúng chỉ vì bẩm sinh ta đã yêu trật tự? Liệu có thứ gì đáng gọi là minh triết, hay những gì tưởng chừng minh triết lại chỉ đơn thuần là cái rồ dại được trau chuốt đến kỳ cùng?...

Bộ sách “Lịch sử triết học phương Tây” của Bertrand Russell bao gồm 3 tập, mỗi tập tập trung vào các giai đoạn và triết gia quan trọng trong lịch sử triết học phương Tây.

Tập 1: Triết học cổ đại


“Lịch sử triết học phương Tây” tập 1: Triết học cổ đại

Trong tập này, Bertrand Russell khám phá sự phát triển của triết học phương Tây từ thời cổ đại, bắt đầu từ các triết gia tiền Socrates như Thales, Pythagoras, Heraclitus và nhiều tư tưởng quan trọng khác. Tập này đánh giá sự ảnh hưởng của Socrates, Platon và Aristotle đối với triết học phương Tây, với sự tập trung vào các tư tưởng và hệ tư tưởng của họ. Cuốn sách tiếp tục nghiên cứu triết học cổ đại sau Aristotle, bao gồm cả những nhà triết học yếm thế và hoài nghi, các tác phẩm sử thi và tác động của các triết lý khắc kỷ.

Tập 2: Triết học Công giáo


“Lịch sử triết học phương Tây” tập 2: Triết học Công giáo

Tập 2 của “Lịch sử triết học phương Tây” bàn về sự phát triển của triết học trong bối cảnh của Công giáo và tôn giáo. Bertrand Russell xem xét sự ảnh hưởng của triết học Do Thái và Hồi giáo, cũng như những tư tưởng và triết học của các nhân vật như St Ambrose, St Jerome, St Augustine, St Benedict và Giáo hoàng Gregory Đại đế. Cuốn sách nêu rõ tầm quan trọng của tôn giáo và triết học Công giáo trong việc xây dựng nền văn hóa và xã hội phương Tây trong thời kỳ này.

Tập 3: Triết học hiện đại


“Lịch sử triết học phương Tây” tập 3: Triết học hiện đại

Tập cuối cùng của bộ sách  tập trung vào giai đoạn triết học hiện đại, từ thời Phục Hưng, Hume, Rousseau cho đến ngày nay. Bertrand Russell nghiên cứu sự phát triển của triết học trong bối cảnh của các biến đổi lớn từ khoa học, công nghiệp và xã hội. Cuốn sách giới thiệu những triết gia và triết học quan trọng trong thời kỳ này như René Descartes, Immanuel Kant, Jean-Jacques Rousseau, và nhiều nhân vật khác. Chương cuối cùng của tập này liên quan đến quan điểm triết học của chính Bertrand Russell tại thời điểm viết cuốn sách, giúp người đọc hiểu rõ hơn về quan điểm của tác giả về triết học và triết học hiện đại.


Hiếm có tác phẩm triết học nào được đánh giá cao hơn “Lịch sử triết học phương Tây”

Những kiến thức được được đề cập trong “Lịch sử triết học phương Tây” vô cùng đồ sộ, song Bertrand Russell đã khéo léo phô bày triết học như một phần máu thịt cấu thành đời sống chính trị và xã hội một cách đơn giản và dễ hiểu. Ông cho rằng nên xem xét triết học vừa như kết quả vừa như nguyên nhân làm nên đặc tính của rất nhiều cộng đồng đa dạng vốn là cái nôi nuôi lớn những hệ thống khác nhau.

Triết gia Willard Van Orman Quine (Đại học Harvard) nhận định: “Nhiều người trong chúng ta bị hút vào nghề triết bởi tác phẩm của Bertrand Russell. Ông viết một loạt sách cho công chúng, từ chuyên gia đến những người ham hiểu biết. Chúng ta bị quyến rũ bởi trí tuệ và cách diễn giải trong sáng về những vấn đề trọng tâm của hiện thực”.

Từ khi ra đời, “Lịch sử triết học phương Tây” đã gặt hái được rất nhiều thành công trên phương diện thương mại, và trong số các sách viết về lịch sử triết học, hiếm có tác phẩm nào được đánh giá cao hơn tác phẩm của Bertrand Russell.